Tìm Việc 365

Kỹ sư trắc địa làm gì? Nhiệm vụ, yêu cầu của kỹ sư trắc địa

1. Giới thiệu về công việc kỹ sư trắc địa

So với những công việc đại trà khác thuộc ngành xây dựng, kỹ sư trắc địa không phải một công việc quen thuộc trên nhiều phương tiện đại chúng.

Có thể nói, đây là công việc thuộc hàng vất vả nhất trong khối ngành xây dựng với số lượng công việc không chỉ lớn mà còn mang tính phức tạp, yêu cầu cao về cả kiến thức lẫn kỹ năng trong công việc.

Nói một cách đơn giản, kỹ sư trắc địa là người làm việc trong ngành trắc địa, có nhiệm vụ đo đạc và tiến hành xử lý, lên kế hoạch những vị trí trọng điểm trên một địa hình nào đó để từ đấy nghiên cứu và xây dựng, cải tiến bản đồ hoặc quy hoạch đô thị hóa, bất động sản.

Công việc của kỹ sư trắc địa được phân thành nhiều mảng như kỹ sư trắc địa công trình, kỹ sư trắc địa mỏ địa chất, kỹ sư trắc địa bản đồ,…

Đọc thêm: Trắc đạc là gì ? Những loại trắc đạc trong hoạt động xây dựng

2. Vai trò của kỹ sư trắc địa trong công cuộc phát triển của nước ta

Công việc kỹ sư trắc địa có thâm niên hình thành và phát triển khá lâu đời so với nhiều ngành nghề khác cùng thuộc việc làm ngành xây dựng. Tuy không quá quen thuộc với những người ngoài ngành, nhưng đây lại là công việc mang tính then chốt, góp phần không nhỏ vào hoạt động quy hoạch đô thị ở nước ta.

Được du nhập từ các nước Tây Âu, nhiệm vụ chính của kỹ sư trắc địa liên quan mật thiết với kỹ sư xây dựng và lĩnh vực xây dựng nói chung. Họ chính là đối tượng nghiên cứu chính để đưa ra những thông tin như bản đồ địa hình trên một địa phương, những thay đổi về mặt địa chất ở một khu vực, tính khả thi khi thi công một công trình nào đó. Không chỉ vậy, kỹ sư trắc địa chính là đội ngũ đóng vai trò then chốt trong công cuộc quản lý những nơi có địa hình đặc thù như tài nguyên rừng, tài nguyên biển… ở nước ta.

Họ chính là những đối tượng đảm bảo những hoạt động giao thông, thông thương… ở nước ta đạt được hiệu quả tối đa nhất. Cùng với đó, những báo cáo của họ liên quan đến những hạng mục như khí hậu, viễn thông, điện lực… chính là văn bản tham khảo chất lượng nhất để các cấp lãnh đạo tiến hành hoạt động tham mưu, phát triển xã hội.

3. Tìm hiểu chi tiết công việc của kỹ sư trắc địa

Xây dựng kế hoạch trắc địa để quy hoạch

Mỗi khu vực sẽ có một đặc điểm riêng về địa hình. Kỹ sư trắc địa chính là đội ngũ chủ chốt nắm nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động kiểm soát và báo cáo những thông tin này. Để quy hoạch hoặc thi công ở một địa phương hoặc một khu vực nhất định đều cần kế hoạch bài bản và đầy đủ.

Đối với yêu cầu của bên nhà thầu, kỹ sư trắc địa sẽ xây dựng bản kế hoạch từ sơ lược đến chi tiết những phương hướng đo đạc, tìm hiểu địa chất, khí hậu và đặc điểm của khu vực cần thi công.

Khi có kế hoạch trắc địa rõ ràng, việc thi công hoặc quy hoạch sẽ được tiến triển dễ dàng hơn và nắm được những lợi thế, hạn chế của khu vực, từ đấy giảm thiểu được không chỉ thời gian, tiền bạc mà tránh được những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thi công công trình.

Làm việc với số liệu và lập báo cáo đầy đủ trong quá trình trắc địa

Một bản kế hoạch rõ ràng sẽ cần được thực hiện và đưa ra những số liệu thực tiễn để các đơn vị thi công dễ bề đưa ra những phương án thi công phù hợp. Tại khu vực xây dựng, công tác đo đạc, thu thập số liệu sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng kỹ sư trắc địa phải thực hiện để phục vụ các hoạt động tiếp theo.

Các kỹ sư trắc địa sẽ được đơn vị làm việc cung cấp những thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động này cũng như đảm bảo sai số sẽ ở mức tối thiểu nhất. Những số liệu này sẽ trải qua một quá trình phân tích xử lý trước khi lập thành báo cáo để các cấp lãnh đạo nắm được tình hình.

Đối với một số công trình thi công mang tính đặc thù hoặc liên quan đến các hoạt động quân sự, số liệu sẽ phức tạp hơn và được lấy thông qua các thiết bị tân tiến như vệ tinh…

Kiểm tra, giám sát các công trình được giao phó

Thông thường, nhiệm vụ này sẽ dành cho những kỹ sư trắc địa đã có thâm niên làm việc hoặc được phân công những nhiệm vụ quản trị cấp trung. Mỗi công trình sẽ được giao với một số vốn cùng hạn định riêng và nhiệm vụ của kỹ sư trắc địa là đảm bảo hoạt động thi công sẽ không đội vốn, đảm bảo được chất lượng nghiệm thu của công trình đồng thời kịp tiến độ nhà đầu tư, nhà thầu hoặc các bên lãnh đạo đề ra.

Công việc trắc địa gắn liền với những đặc điểm địa lý, trong quá trình thi công cũng dễ gặp những vấn đề liên quan đến các hiện tượng tự nhiên. Chính vì vậy hoạt động giám sát công trình là vô cùng cần thiết. Trước những vấn đề phát sinh trong công việc, người kỹ sư trắc địa sẽ cần phản ứng và đưa ra phương án xử lý hoặc báo cáo kịp thời với cấp trên để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của.

Tiến hành các khảo sát nhằm phục vụ công tác tham mưu xây dựng, chính trị

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động trắc địa còn phục vụ rất nhiều công việc khác đặc biệt là công tác chính trị. Việc lường trước được những thay đổi về mặt địa chất có thể giúp các cấp lãnh đạo xây dựng được chiến lượng ứng phó với các hiện tượng tự nhiên như sụt, lún, biến đổi khí hậu.

Như đã đề cập bên trên, nhằm đảm bảo quá trình thi công giảm thiểu được tối đa các vấn đề phát sinh, việc khảo sát trắc địa hiện là một trong những khâu bắt buộc đối với nhiều doanh nghiệp xây dựng.

4. Những yêu cầu của công việc kỹ sư trắc địa

Tương tự những công việc khác trong nhóm ngành xây dựng, kỹ sư trắc địa cũng có những yêu cầu cơ bản về cả kiến thức lẫn kỹ năng đòi hỏi người lao động phải đảm bảo được ở mức tối thiểu.

Trước tiên, bạn phải đảm bảo được vốn kiến thức trắc địa của bản thân có thể vận dụng được trong thực tiễn. Dù bạn làm trong mảng trắc địa công trình, trắc địa địa chất… hay những mảng khác thì khối lượng kiến thức luôn đóng một phần quan trọng giúp bạn giải quyết công việc.

Tiếp theo đó, bạn phải có kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp đặc biệt là kỹ năng phối hợp làm việc nhóm để đảm bảo công việc được tiến hành trơn tru. Các kỹ sư trắc địa thường không hoạt động riêng lẻ mà sẽ làm việc theo nhóm để đảm bảo hiệu suất, cùng với đó họ sẽ phải phối hợp với những phòng ban khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, công nhân xây dựng… để công việc không chỉ đảm bảo tiến độ mà phải đảm bảo cả về chất lượng.

Công việc kiến trúc sư trắc địa cũng yêu cầu người làm phải thường xuyên tham gia những đợt công tác, di chuyển thường xuyên. Chính vì vậy, bạn cũng sẽ phải đảm bảo bản thân đáp ứng được cả về điều kiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

Vậy là timviec365.com.vn đã cùng bạn tìm hiểu kỹ sư trắc địa làm gì thông qua bài viết trên. Mong rằng với những thông tin chúng tôi cung cấp, các bạn đọc đã có cho mình những kiến thức bổ ích và hiểu thêm về công việc này.

Exit mobile version